Có một bình luận trên mạng, được nhiều người đồng tình và tán dương như này: “Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng có công có quả, có trả giá sẽ có đền đáp. Nhưng họ không nghĩ rằng lòng tốt cũng có thể nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà. Đến cuối cùng mất cả người lẫn của”.
Lòng tốt cũng chia dăm bảy loại. Có những loại trong số đó cần thêm đôi phần sắc sảo, đôi phần tinh tế để thực sự trở nên hữu ích với cả đôi bên, chứ không tốn công vô ích, thậm chí gây ra tác dụng ngược.
Cũng giống như trong công việc, bạn thấy đồng nghiệp gặp khó khăn. Trước khi được hỏi nhờ giúp đỡ thì bạn đã xung phong lao lên và giải quyết thay người kia. Nhưng liệu đối phương có đánh giá cao hành động đó hay không, có thực sự cần bạn giúp đỡ hay không thì không ai biết được. Do đó, khi gặp phải những điều này, tốt nhất là nên suy nghĩ cẩn trọng trước khi đưa ra sự trợ giúp kẻo lãng phí công sức cũng như tiền tài của chính mình.
1. Chuyện không liên quan đến bản thân, đừng quản
Có câu nói rằng: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Thị phi và rắc rối trên đời chủ yếu xuất hiện do lời nói không kiểm soát. Khi gặp chuyện không liên quan đến bản thân, bạn càng dây dưa thì chúng càng như một đống rác rưởi bủa vây lấy mình, phải chịu đựng sự hôi hám, nhếch nhác từ rắc rối của người khác.
Hầu hết, hành vi “quản chuyện thiên hạ” đều đơn thuần xuất phát từ tính tò mò của con người. Khi bạn nảy sinh hiếu kỳ, dù biết là không nên, bạn vẫn vô tình chú ý tới những sự vật, sự việc tương quan. Sau đó, khi bạn cho rằng mình đã hiểu được một phần câu chuyện, tự dưng sẽ nảy sinh tâm lý muốn “lo chuyện bao đồng”.
Ví dụ như, nghe thấy vợ chồng hàng xóm to tiếng với nhau, bạn sẽ tò mò lý do họ cự cãi. Tìm hiểu được tranh chấp giữa hai vợ chồng, bạn luôn có thể nảy sinh kiểu suy nghĩ “Đáng lẽ họ phải như thế này”, “Vợ chồng họ nên thế kia”... Thậm chí là biến những suy nghĩ đấy thành hành động, bạn trực tiếp tìm đối phương để khuyên nhủ.
Hậu quả để lại là gì? Chẳng những không được cảm ơn, mà còn nhận về tai họa. Bởi vì chuyện này vốn không liên quan, bản thân bạn cũng không hiểu đầu đuôi sự việc cũng như bản chất vấn đề. Sự can thiệp của bạn không biết có giúp họ giải quyết sự việc hay không, nhưng chắc chắn sẽ gây mích lòng người khác. Sau lưng, người ta đều đang nói bạn là “đồ rỗi hơi”, “kẻ thích xía vào chuyện người khác”. Vừa tốn công vô ích, vừa đem tiếng xấu cho mình.
2. Chuyện liên quan tới vay nợ, đừng mong chờ
Đối với việc "vay tiền", hãy chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Có người nói rằng: “Tiền đã cho vay như bát nước hắt đi, đòi lại được thì là may mắn, không đòi được chính là định mệnh cuộc đời”. Bạn đã từng là người cho vay? Bạn đã từng bị người “bùng nợ”? Bạn đã từng bị khất nợ hết lần này tới lần khác, mất sức “chín trâu hai bò” mới lấy lại được số tiền ban đầu?”
Trên thực tế, chúng ta đều đã từng gặp phải những chuyện như vậy, thậm chí còn gặp rất nhiều lần. Bởi vì đại đa số mọi người đều có lòng tốt bụng muốn giúp đỡ, cũng không giỏi trong việc từ chối người khác. Họ rất sợ lời từ chối của mình sẽ làm hỏng mối quan hệ hiện tại, cho nên, dù trong lòng ức chế, nhiều khi vẫn tặc lưỡi chấp nhận.
Thế nhưng, học được cách từ chối hôm nay cũng đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận được lời từ chối của đối phương trong tương lai. Không nên ban phát sự “nhân hậu” bừa bãi, càng không nên tiếp nhận lòng tốt của người khác một cách ỷ lại. Hãy tiếp thu cả những trường hợp xấu nhất. Như vậy, bạn mới ngày một trưởng thành và đủ bình tĩnh, thong dong để đối mặt với biến cố bất ngờ trong cuộc sống.
3. Chuyện vi phạm đạo đức, đừng làm
Dù chỉ một lần cũng đừng bao giờ làm ra những chuyện không xứng với đạo đức, nguyên tắc làm người của bản thân. Có lần một sẽ có lần hai, sẽ trở thành mầm mống tạo ra những thói quen tiêu cực. Người xưa có câu: “Đức không xứng vị, tất có tai ương.” Tức là, đức hạnh và địa vị của một người phải luôn tương xứng với nhau, nếu có sự chênh lệch ắt sẽ dẫn tới tai họa.
Bản lĩnh lớn đến đâu, tài hoa cao đến mấy, thì một người cũng phải có giá trị và nguyên tắc tương xứng với vị trí của anh ta. Có đức mà không có tài, làm việc gì cũng khó. Ngược lại, có tài mà không có đức thì chỉ là người vô dụng.
Một người có tài nhưng luôn hãm hại người khác để lấy phần lợi về mình sẽ không được mọi người tin tưởng. Một người giàu có nhưng nghèo khó về tình người sẽ bị mọi người xa lánh, luôn sống trong cô đơn. Tài năng không đi đôi với đạo đức thì cũng "cháy rụi" theo thời gian, thậm chí còn để lại tai ương cho cả bản thân và cộng đồng.
4. Chuyện không đủ năng lực, đừng cố
“Sức hèn chớ vác nặng nhiều, nói không trọng lượng chớ điều khuyên ai.”
Khi khả năng của bạn còn quá nhỏ bé, đừng nhận nhiệm vụ quá lớn lao. Khi lời nói của bạn không đủ trọng lượng, xin đừng lãng phí để thuyết phục người khác. Bởi vì trong mắt đối phương, lời khuyên của bạn vô nghĩa và không đem tới giá trị thiết thực.
Lấy một ví dụ, một doanh nhân thành công tới hội thảo chia sẻ bí quyết làm giàu. Tất cả mọi người vỗ tay khen hay cho mọi lời anh ta nói. Nhưng nếu thay thế vị trí diễn giả đó bằng một người nghèo khó, dù cùng nói một nội dung tương tự, anh ta cũng rất khó gây dựng được lòng tin của mọi người.
Đây chính là một điển hình phũ nhưng rất thật. Khi bạn không đủ bản lĩnh, dù nói hay đến mấy cũng chỉ là lời sáo rỗng mà thôi.
Kiểu so sánh này khiến chúng ta hiểu rằng nếu khả năng không đủ thì đừng cố gánh vác. Bởi vì bạn không nên có "sự tự tin" đó. Bất kể thế nào, điều mà người khác nhìn vào đầu tiên là hành động và thực tiễn, chứ nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm.
Người xưa có câu: “Anh không phải cá, sao biết niềm vui của cá?”
Rắc rối hay khó khăn của đối phương, người ngoài cũng không thể tỏ tường. Mỗi người đều có ý nghĩ và lựa chọn của riêng mình, tại sao bạn lại cho rằng, mình có quyền khoa tay múa chân ở đây?
Một khi đã như vậy, hà tất phải làm những điều tốn công vô ích, vừa không được biết ơn, lại rước thêm tai họa cho mình.